Đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh, toàn diện, bền vững

0
387

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi rất quan trọng. Những năm qua, TP Hà Nội đã dành một nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống đồng bào trên địa bàn TP không ngừng được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt.

TP Hà Nội hiện có khoảng 107.847 người dân tộc thiểu số, thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, với trên 55.000 người.

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.

Theo Ban Dân tộc TP Hà Nội, năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội được triển khai hiệu quả. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 0,53%. Thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc xã khu vực I). Công tác giáo dục luôn được quan tâm; giữ vững 100% các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa phát động sôi nổi, rộng khắp…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trong giai đoạn I từ 2021-2025, TP Hà Nội dự kiến bố trí kinh phí đầu tư cho 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên 2.100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp gần 500 tỷ đồng.

Đến nay, TP Hà Nội đã bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng kết cấu hạ tầng là 935,700 tỷ đồng cho 81 dự án, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trên 30 dự án, tỷ lệ giải ngân đạt trên 92% kế hoạch. Nguồn vốn sự nghiệp TP bố trí 5,879 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 100% theo kế hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi rất quan trọng. Cơ quan làm công tác dân tộc của TP và các đơn vị liên quan của TP cần tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đặc biệt là tập trung đầu tư cho các dự án về giao thông nông thôn, miền núi, đặc biệt chú trọng đến quy hoạch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa vùng nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng đồng bào DTTS, miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào vùng DTTS nói riêng.

“Cơ quan làm công tác dân tộc của Hà Nội cũng như các đơn vị liên quan quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở, chú trọng công tác giáo dục, đẩy mạnh thông tin truyền thông và chuyển đổi số để hỗ trợ đồng bào. Đối với các Sở, ngành của TP, cần rà soát tiêu chuẩn đối với các xã miền núi để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm cho hiệu quả, kịp thời”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản theo kế hoạch trên cơ sở đổi mới cách thức đầu tư đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún. Các dự án phải có quy hoạch, hài hòa với mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa, tránh làm mất đi bản sắc văn hóa của vùng nông thôn miền núi Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đồng bào DTTS trên địa bàn TP sinh sống tập trung ở 14 xã thuộc 5 huyện là điều kiện thuận lợi để các sở, ngành, địa phương tham mưu cho TP các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tiềm năng cảnh quan, môi trường sinh thái cần phải tập trung khai thác kết hợp với văn hoá truyền thống là cơ sở phát triển du lịch, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và giảm nghèo, nâng cao hơn nữa đời sống cho đồng bào DTTS.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Please enter your comment!
Please enter your name here