Tạo sự bứt phá cho giao thông Hà Nội

0
349

Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, nhiều công trình quan trọng dần được hoàn thiện, mang đến kỳ vọng rất lớn góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP.

Theo đó, Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, giảm ùn tắc giao thông.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 tăng cao kỷ lục gần 14% so với năm 2021, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt gần 468 nghìn tỷ đồng. Nhờ đôn đốc thi công và tăng tốc giải ngân, 3 dự án trọng điểm tại Hà Nội sẽ đưa vào khai thác năm 2023…

Cũng trong năm 2022, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác kiểm định, thử tải công trình và thẩm tra an toàn giao thông dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở đang gấp rút hoàn thành để đưa vào khai thác đầu năm 2023.

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2022 của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý 4 ước tính đạt 163,2 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 32,1% so với quý 3 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, giữa tháng 10/2020, công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội đã được hoàn thành sau hơn 2 năm xây dựng. Việc khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long góp phần hoàn thiện đường Vành đai 3 dài khoảng 65km. Tuyến đường giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tiếp đó, dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương – Vành đai 3 với tổng mức đầu tư 698 tỉ đồng, chiều dài 475m cũng đã được Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian phương tiện lưu thông qua nút.

Vào ngày 11/1/2023 vừa qua, sau 4 năm xây dựng với tổng mức đầu tư là 9.997 tỉ đồng, chiều dài 5,08km, tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã chính thức thông xe, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị Hà Nội.

Cũng nằm trên trục Vành đai 2, Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội, dự kiến hoàn thành toàn dự án vào tháng 9/2023 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy với tổng chiều dài cầu và đường dẫn 3,47 km sẽ có 8 làn xe lưu thông theo hướng từ trung tâm TP sang Long Biên và ngược lại. Khi khớp nối với Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Thủ đô tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9.000 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75,4%. Trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 97,2%, đoạn ngầm đạt 33%.

Trước đó, ngày 5/12/2022, đoạn trên cao 8,5km từ Nhổn – Cầu Giấy được TP cùng chủ đầu tư kiểm tra, đánh giá chất lượng, chạy thử tích hợp toàn tuyến trong môi trường hạn chế, dự kiến đưa vào sử dụng phục vụ người dân từ đầu năm 2023, đồng thời tiếp tục thực hiện đoạn đi ngầm theo kế hoạch.

Đặc biệt, vào tháng 6/2023đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn TP và một số địa phương lân cận. Tuyến đường có chiều dài khoảng 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỉ đồng, sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Tuyến đường cũng là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.

Với vai trò đặc biệt quan trọng, những dự án trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở… đã và đang “băng băng” về đích trong năm 2023 sẽ trở thành trợ lực cho giao thông Thủ đô. Các công trình này có vai trò định hình toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm ùn tắc cho Hà Nội.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Please enter your comment!
Please enter your name here